Tại chương trình, diễn giả Lưu Quốc Tuấn – Chuyên gia đào tạo tại Trung tâm bồi dưỡng Kỹ năng Sasuke Việt Nam đã có những chia sẻ về khái niệm, biểu hiện, nguyên nhân và tác hại của bạo lực học đường tới các thầy cô giáo, CBCNV trong và ngoài nhà trường, các bậc cha mẹ phụ huynh cùng toàn thể các bạn học sinh trường THCS Tản Lĩnh (Ba Vì).
Hậu quả của bạo lực học đường
Đây là một vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt trong giáo dục. Bởi những tác hại mà bạo lực học đường để lại ảnh hưởng rất lớn không chỉ là sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của học sinh. Học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường có thể bị lo âu, trầm cảm, mất đi tự tin, thậm chí là sợ hãi mỗi khi đi học. Áp lực từ việc bị bạo lực sẽ khiến cho học sinh rất căng thẳng, mất tập trung dẫn đến suy giảm kết quả học tập, điểm số và các hoạt động khác. Bạo lực học đường dẫn đến hệ lụy trong các mối quan hệ xã hội khi nạn nhân có thể bị kỳ thị, phân biệt đối xử và cô lập xã hội. Ngoài ra, học sinh bị ảnh hưởng có thể gặp khó khăn trong việc hòa nhập và tạo dựng mối quan hệ xã hội lành mạnh, dẫn đến sự phát triển không toàn diện về mặt xã hội.
Nguyên nhân của bạo lực học đường
Theo chia sẻ của diễn giả Lưu Quốc Tuấn, nguyên nhân của bạo lực học đường có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Có thể kể đến áp lực thành tích học tập hay học sinh còn thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc và những yếu tố ảnh hưởng khác. Học sinh là đối tượng chịu nhiều sự kỳ vọng từ gia đình và nhà trường về áp lực thành tích học tập. Áp lực để đạt được thành tích tốt đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các bạn với nhau, từ đó xuất hiện xung đột và bạo lực. Bên cạnh đó, có nhiều học sinh chưa được trang bị đủ các kỹ năng quản lý cảm xúc cũng như khả năng giải quyết mâu thuẫn. Và điều ấy được bộc lộ rõ khi học sinh có xu hướng sử dụng bạo lực như một cách giải tỏa căng thẳng cũng như chứng minh bản thân. Hiểu rõ những nguyên nhân có thể xảy ra của bạo lực học đường là điều quan trọng trong việc định hướng các giải pháp xử lý hiệu quả để ngăn chặn cũng như giảm thiểu tình trạng này.
Thực hành ứng phó với bạo lực học đường
Chuyên đề “Phòng chống bạo lực học đường” do nhà trường phối hợp cùng Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Sasuke Việt Nam tổ chức là một trong những phương pháp và chiến lược cụ thể nhằm tạo ra một môi trường học tập an toàn và tích cực. Trong khuôn khổ của chương trình, học sinh đã được nhận diện các tình huống thực tiễn có thể xảy ra về bạo lực học đường. Với sự trẻ trung và nhiệt huyết của mình, diễn giả đã trực tiếp đóng vai, cùng học sinh xử lý các tình huống trên sân khấu, mang lại bầu không khí vui vẻ, sôi động. Qua hoạt động vận dụng sáng tạo này, học sinh đã có thêm cho mình kỹ năng quản lý cảm xúc, tăng sự khéo léo trong giao tiếp và có phương án giải quyết xung đột một cách hiệu quả đảm bảo, văn minh, lịch sự.
Chuyên đề “Phòng chống bạo lực học đường” được tổ chức tại trường THCS Tản Lĩnh (Ba Vì) đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình đến từ các lực lượng trong và ngoài giáo dục, đặc biệt là các bạn học sinh nhà trường. Chuỗi các hoạt động trong chuyên đề đã diễn ra rất sôi nổi, qua đó nâng cao ý thức và kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường. Chuyên đề “Phòng chống bạo lực học đường” một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc kết hợp giữa các lực lượng bao gồm nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc xử lý vấn đề này. Hãy cùng nhau chung tay xây dựng những trường học hạnh phúc, nơi mà tất cả học sinh đều được tôn trọng và yêu thương, để mỗi học sinh đều được phát triển toàn diện trong môi trường thân thiện và tích cực.